Ngoài ra, giá tôm nguyên liệu trên thị trường giảm mạnh (giảm 20-30% so với cùng kỳ), khó khăn về thị trường và phụ thuộc nhiều vào thương lái, trong khi đó giá vật tư đầu vào phục vụ cho nuôi tôm không giảm, nhiều loại còn tăng giá, sản lượng tôm của các nước trong khu vực hồi phục và tăng nhanh sau dịch bệnh hội chứng chết sớm. Vì vậy, những tháng đầu năm 2015 tiến độ triển khai vụ nuôi tôm nước lợ chậm so với kế hoạch, chưa đạt cả về diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch. Cụ thể, theo thống kê số liệu báo cáo 6 tháng đầu năm 2015 của 28 địa phương có nuôi tôm nước lợ, sản lượng thu hoạch và diện tích nuôi tôm nước lợ nhìn chung giảm so với cùng kỳ năm 2014 về diện tích. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã thả nuôi 616.480 ha đạt 90% kế hoạch và bằng 96,6% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, tôm sú là 566.298 ha đạt 96,8 % kế hoạch năm và bằng 101,4% so với cùng kỳ 2014, tôm chân trắng là 50.182 ha, đạt 50,2% kế hoạch năm và bằng 63,0% so với cùng kỳ 2014. Về sản lượng, tổng sản lượng thu hoạch tôm là 230.910 tấn (đạt 32,5% kế hoạch năm 2015 và bằng 87,9 % so với cùng kỳ 2014) trong đó tôm sú là 115.841tấn, tôm chân trắng là 115.069 tấn.
Về giống, tính từ đầu năm, cả nước đã thả nuôi ước đạt 29 tỷ Postlarvae (PL), trong đó tôm sú thả khoảng 7,7 tỷ PL và tôm thẻ chân trắng thả ước khoảng 21,3 tỷ tôm PL (so với cùng kỳ 2014, tôm sú bằng 32,8%, tôm thẻ chân trắng chỉ bằng 39,3%).
Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản, 6 tháng cuối năm thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, giá tôm chân trắng nguyên liệu đã có chiều hướng tăng thuận lợi hơn cho nuôi tôm tại ĐBSCL do đó trong 6 tháng cuối năm tiếp tục đẩy mạnh sản xuất. Để thực hiện thành công chỉ tiêu kế hoạch về diện tích, sản lượng và đảm bảo phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 là tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra và giám sát nuôi tôm nước lợ theo quy hoạch, phòng chống dịch bệnh trong NTTS, quản lý chặt chẽ chất lượng giống tôm, chất lượng thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản. Đối với tôm sú duy trì ổn định diện tích và sản lượng, phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng như tôm-rừng ngập mặn, tôm-lúa nhằm giữ lợi thế cạnh tranh và thị trường xuất khẩu tôm sú trên thế giới. Đối với tôm chân trắng tiếp tục phát triển nuôi ở các vùng có lợi thế, kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu từ tôm thẻ chân trắng.